MENU
logo
logo
Vietnamese English

Miến từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của người Việt. Với nguyên liệu từ những sợi miến dẻo dai và sự khéo léo của những người nội trợ có thể chế biến thành những món ăn rất ngon miệng. Cũng chính vì thế mà ở một số địa phương đã hình thành nên những làng nghề truyền thống làm miến.

Ở khu vực Tân Biên (TP.Biên Hòa) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm miến truyền thống có bề dày gần nửa thế kỷ đã tạo được thương hiệu riêng bởi chất lượng sợi miến dai, ngon, màu miến sáng trong…Nơi đây có khoảng 10 cơ sở vẫn đang duy trì nghề làm miến truyền thống. Trước kia, miến ở đây được làm từ bột củ dong (hay người dân địa phương vẫn quen gọi là củ chóc), nhưng hiện nay do nguồn nguyên liệu bột củ dong có phần bị thu hẹp, cũng như theo xu hướng thị trường, các cơ sở sản xuất miến ở đây thường sử dụng bột mì để thay thế.
Để có được sợi miến càng dai, ngon vẫn sẽ phụ thuộc vào độ tỉ mỉ, lành nghề của người làm miến và tình hình thời tiết. Nếu đủ nắng để phơi, thông thường mỗi mẻ miến ra thành phẩm sẽ vào khoảng 1,5-3 ngày. Miến sau khi phơi khô, cắt sợi… sẽ được đóng bao bì chỉn chu, tươm tất để cung ứng cho thị trường.

Ngày nay một số công đoạn làm miến đã được thay thế bằng máy móc hiện đại. Tuy nhiên những hộ dân làm miến ở Tân Biên vẫn giữ được nét truyền thống qua việc làm thủ công một số công đoạn như: xếp miến đã cắt sợi ra dàn phên bằng tre nứa; phơi miến dưới ánh nắng, gió tự nhiên; đóng gói miến thành phẩm...giúp cho sợi miến dẻo, dai, ngon và có màu sáng trong, tạo nên thương hiệu riêng của đặc sản miến nơi đây.

Để những mẻ miến được ra lò liên tục, người làm miến phải dậy từ sớm và làm đến tận trưa, luôn chân luôn tay xử lý từng công đoạn. Do vậy việc sản xuất miến không còn thịnh như trước. Tuy nhiên, những người dân làm nghề lâu năm vẫn mong muốn được duy trì và tiếp sức trong việc tiếp nối làng nghề bởi nghề làm miến này không những lưu giữ giá trị truyền thống mà còn thể hiện văn hóa ẩm thực địa phương qua nhiều thế hệ.

DH