Huyện Nhơn Trạch ở về phía Đông Nam của tỉnh Đồng Nai, có diện tích tự nhiên 41.910 ha gồm có 12 xã, 53 ấp. Với vị trí liền kề phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, nằm dọc theo quốc lộ 51 từ Biên Hòa đi Vũng Tàu, được bao bọc ba mặt bởi các sông: Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh, Thị Vãi; giáp cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành; nên Nhơn Trạch là đầu nối giao thông quan trọng gắn liền với phát triển đô thị, dịch vụ và công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ của tỉnh Đồng Nai. Định hướng phát triển đến năm 2020, Nhơn Trạch sẽ trở thành một đô thị loại II.
Với bề dày lịch sử hình thành và truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của vủng đất Nhơn Trạch, đến nay, huyện có trên 130 di tích gồm: di tích lịch sử, lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và các di tích phổ thông. Trong đó, 01 di tích cấp quốc gia (Địa đạo Nhơn Trạch) 04 di tích cấp Tỉnh (đình Phú Mỹ, đình Phước Thiền, địa điểm ngã ba Giồng Sắn (nơi diễn ra trận đánh giữa Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 4 Sư đoàn 5 và Đại đội 240 Biên Hòa với tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan ngày 20/12/1967).
Đền thờ Liệt sĩ huyện Nhơn Trạch ghi danh hơn 2.000 anh hùng liệt sĩ từ các tỉnh, thành trong cả nước đã hy sinh trên vùng đất Nhơn Trạch; mỗi năm đón tiếp trên 1 vạn khách, trong đó có cả các đồng chí lãnh đạo cấp cao và các đoàn khách quốc tế đến tham quan viếng đền, thắp hương tưởng nhớ những người đã hy sinh cho nền độc lập tự do của dân tộc. Còn các di tích phổ thông như đình, miếu mà xã nào cũng có, là nơi tụ hội của nhân dân địa phương vào dịp lễ kỳ yên hàng năm. Đây là một nét đẹp của “văn hóa làng xã” đã được gìn giữ, bảo tồn từ bao đời nay.
Đình Phú Mỹ
Phát huy địa hình sông nước, nhiều cơ sở du lịch sinh thái đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả như: Bò Cạp Vàng, Bằng Lăng Tím (ấp 3 xã Phước Khánh); Hương Đồng (xã Vĩnh Thanh); Đảo Dừa Lửa (xã Phú Hữu); Ngư Ông (xã Phước An). Nội dung hoạt động của các cơ sở này là kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí, dã ngoại. Vào các ngày nghỉ cuối tuần và các dịp lễ hội, những cơ sở này thu hút hàng chục ngàn lượt khách chủ yếu từ Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa và các vùng phụ cận đến tham quan vui chơi giải trí. Về mạng lưới nhà nghỉ, hiện nay trên địa bàn huyện có 33 cơ sở với 452 phòng phục vụ khoảng 50.000 lượt khách mỗi năm.
Hoạt động đua xuồng trền sông Thị Vải
Bên cạnh đó, có 10 dự án du lịch sinh thái đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương giới thiệu địa điểm với diện tích khoảng 1.566 ha tập trung ở các xã Phước An, Phước Thiền, Phú Đông. Ngoài ra, huyện cũng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lập quy hoạch khu du lịch sinh thái Ông Kèo tại xã Phước Khánh và xã Vĩnh Thanh với diện tích khoảng 283 ha.
Còn tiếp...