Sản phẩm du lịch, tiếng Anh là "tourist product" và tại khoản 10, Điều 4 chương I của Luật Du lịch giải thích từ ngữ: “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch”. Theo “Cẩm nang marketing và xúc tiến du lịch bền vững ở Việt Nam” của tổ chức FUNDESO thì “marketing du lịch” được định nghĩa là một quá trình trực tiếp cho phép các doanh nghiệp và các cơ quan du lịch xác định khách hàng hiện tại và tiềm năng, ảnh hưởng đến ý nguyện và sáng kiến khách hàng ở cấp độ địa phương, khu vực quốc gia và quốc tế để doanh nghiệp có khả năng thiết kế và tạo ra các sản phẩm du lịch nhằm nâng cao sự hài lòng của khách và đạt được mục tiêu đề ra.
Nói theo cách khác, sản phẩm du lịch bao gồm các dịch vụ du lịch, các hàng hóa và tiện nghi cung ứng cho du khách, nó được tạo nên bởi sự kết hợp các yếu tố tự nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động du lịch tại một vùng hay một địa phương có tổ chức và hoạt động du lịch. Như vậy sản phẩm du lịch bao gồm những yếu tố hữu hình (tài nguyên du lịch) và vô hình (dịch vụ) để cung cấp cho khách bao gồm hàng hóa, các dịch vụ và tiện nghi phục vụ khách du lịch.
Ở nước ta, các sản phẩm du lịch chủ yếu thuộc 3 nhóm chính là: sản phẩm du lịch văn hóa, sản phẩm du lịch sinh thái và sản phẩm du lịch biển đảo. Ngoài ra còn có các hình thức du lịch sinh thái tiện ích khác.
Trong xu thế hội nhập để phát triển, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng tuy có nhiều tiềm năng, cơ hội nhưng cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Việc lựa chọn ra được phương hướng phát triển phù hợp với tiềm năng về tài nguyên du lịch phong phú của mình, để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế là hết sức cần thiết và cấp bách với mục tiêu thu hút 12 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 35 triệu du khách nội địa vào năm 2020 trong điều kiện du lịch Việt Nam chưa có những sản phẩm đặc trưng hấp dẫn du khách là không hề đơn giản.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, bản đồ phát triển du lịch Việt Nam được chia thành 3 vùng: vùng du lịch Bắc bộ, vùng du lịch Bắc Trung bộ và vùng du lịch Nam Trung bộ và Nam bộ. Trong đó, mỗi vùng đã được quy hoạch phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi vùng. Vùng du lịch Bắc bộ là: du lịch văn hóa kết hợp với du lịch tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng; vùng du lịch Bắc Trung bộ là: du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa và cách mạng, đặc biệt là các di sản văn hóa thế giới; vùng du lịch Nam Trung bộ và Nam bộ là: du lịch tham quan, nghỉ dưỡng biển và núi, du lịch sông nước, du lịch sinh thái đồng bằng châu thổ.
Với Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử, văn hoá và các điểm du lịch tiềm năng như chùa cổ Bửu Phong, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, khu du lịch ven sông Đồng Nai, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, làng bưởi Tân Triều, khu du lịch sinh thái Thác Mai - hồ nước nóng, Đảo Ó, mộ cổ Hàng Gòn, đàn đá Bình Đa, khu du lịch thác Giang Điền, khu du lịch Vườn Xoài, Khu Văn hóa Suối Tre, Khu du lịch sinh thái Đảo Dừa Lửa, Khu du lịch sinh thái Bò cạp vàng, Hồ Núi Le (Xuân Lộc), Câu lạc bộ Xanh: du lịch sinh thái huyện Long Thành…v…v…. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có 46 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng đã được xếp hạng (bao gồm 27 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 19 di tích xếp hạng cấp tỉnh) như: Núi Chứa Chan – chùa Gia Lào, Căn cứ TW Cục miền Nam, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (Chiến khu Đ), địa đạo Suối Linh, những danh thắng nổi tiếng như: đền thờ Rừng Sác Nhơn Trạch, Khu du lịch Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên…Theo khảo sát và thống kê của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có 412 cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch, trong đó, có 45 khách sạn; 32 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 4 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 19 khu, điểm du lịch đang hoạt động.
Khu du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng (xã Phước Thái, huyện Nhơn Trạch)
Còn tiếp
TS. Phan Thanh Kiều