Hoạt động du lịch của Đồng Nai trong năm 2012 trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn, song kết quả tổng lượt khách đạt 2.506.115, đạt 104,4% so với kế hoạch, vượt 11,5% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng doanh thu đạt 613,74 tỷ đồng, đạt 109,12% so với kế hoạch, vượt 23,43% so với cùng kỳ năm 2011.
Các doanh nghiệp du lịch duy trì được về chất lượng dịch vụ, xúc tiến, quảng bá, tìm kiếm thị trường và thực hiện chính sách giá phù hợp để thu hút khách. Hiện nay điều kiện kinh doanh lữ hành nhất là kinh doanh lữ hành nội địa rất đơn giản nên nhiều doanh nghiệp lữ hành có năng lực cạnh tranh yếu, tính chuyên nghiệp không cao đồng thời việc cạnh tranh chưa lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành vẫn còn xảy ra trên địa bàn nên ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tiến độ triển khai thực hiện chậm, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch. Các khu, điểm du lịch hiện hữu chưa mạnh dạn đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách do chi phí đầu tư cao nhưng sản phẩm du lịch dễ lỗi thời, chậm thu hồi vốn nên các chủ đầu tư ngại đầu tư phát triển dịch vụ mới nên sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu tính độc đáo và hấp dẫn. Các khu, điểm du lịch và cả những di tích văn hóa, lịch sử có hoạt động phục vụ du lịch còn thiếu những sản phẩm du lịch cụ thể như những loại hình quà lưu niệm hay những bộ ảnh đẹp có thể bán cho khách du lịch hầu như chưa được quan tâm đầu tư, khai thác. Lượt khách đến lưu trú tại Đồng Nai chủ yếu là khách công vụ, các chuyên gia nước ngoài và khách vãng lai, khách có mục đích đi du lịch lưu trú còn rất thấp. Đây cũng là một trong những mặt tồn tại, yếu kém của ngành du lịch các tỉnh vùng Đông Nam bộ nói chung.
Du lịch Nam Cát Tiên
Để du lịch Đồng Nai trở thành tâm điểm du lịch trong vùng Đông Nam bộ cần nghiên cứu tìm hướng đột phá về cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy, kích cầu, đầu tư, kêu gọi xã hội hóa. Trong đó, hướng đột phá khả thi nhất là đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của Đồng Nai. Đó không chỉ là những loại sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ phục vụ cho sinh hoạt của du khách mà còn là những sản phẩm văn hóa du lịch chứa đựng những giá trị văn hóa bản địa về vùng đất và con người đặc thù của Đồng Nai. Làm thế nào khi du khách đã từng đến Đồng Nai khi nhắc đến Đồng Nai là nghĩ ngay đến những sản phẩm đặc sắc của đó Đồng Nai. Hiện nay từ ngành du lịch của tỉnh cho đến các khu, điểm du lịch, các di tích văn hóa, lịch sử có thể khia thác phát triển du lịch vẫn chưa có những slogan hay biểu trưng về du lịch đặc biệt để thu hút du khách. Đây là trách nhiệm của các nhà quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh và bản thân các cơ sở du lịch. Thường xuyên đổi mới các nội dung hoạt động du lịch và phục vụ du lịch sẽ luôn tạo sự hứng thú cho du khách khi đến Đồng Nai. Đồng Nai có lợi thế hơn hẵn các tỉnh khác về rừng. Nên chăng cần tập trung nghiên cứu để phát triển các sản phẩm du lịch rừng trở thành một trong những nét đặc sắc của du lịch Đồng Nai trong vùng Đông Nam bộ. Các khó ở đây là làm sao giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển các mô hình du lịch rừng nhưng không làm ảnh hưởng môi trường tự nhiên, phá hoại rừng. Đồng thời giáo dục và nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên để phục vụ con người. Có ý tưởng đặt ra là nên chăng khuyến khích nghiên cứu, đầu tư xây dựng các mô hình du lịch rừng gần gũi với thiên nhiên như: thiết kế các loại nhà sàn làm nhà nghỉ cho du khách trên cây thay vì xây dựng các nhà nghỉ kiên cố đầy đủ tiện nghi như ở thành phố; các món ẩm thực cũng phải được thiết kế thuần là các món ăn từ rừng (tất nhiên các loại thú rừng phải được nuôi thuần dưỡng phục vụ du lịch chứ không săn bắt thú hoang dã); các hoạt động văn hóa cồng chiên của người dân tộc thiểu số phục vụ du khách cũng được diễn ra trong khung cảnh rừng tự nhiên thay vì trong các dãy nhà sàn được đúc bằng bê tông giả gỗ một các giả tạo. Các sản phẩm du lịch cho du khách có thể mang về là những bộ quần áo dân tộc thiểu số, các loại cung ná, nhạc cụ, các bộ sưu tập hình ảnh, mô hình, tượng bằng thạch cao hoặc các biểu trưng về các loại thú rừng..v..v…
Còn tiếp...
TS. Phan Thanh Kiều