Lễ Kỳ yên (Cầu an) là một trong những lễ hội chính ở các đình của Đồng Nai. Lễ thường diễn ra vào hai mùa xuân và thu hoặc gắn với những ngày liên quan đối với đối tượng được thờ tự. Dân làng đóng góp công của để cúng tế vị thành hoàng bổn cảnh với mục đích cầu xin mưa gió thuận hòa (phong điều vũ thuận), mùa màng tốt tươi (phong đăng hòa cốc), quê hương đất nước bình yên (quốc thái dân an). Lễ hội kỳ yên qua nhiều thế hệ đã trở thành tập quán tín ngưỡng, hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng người Việt. Lễ hội được tổ chức long trọng với những nghi thức cúng tế chặt chẽ thể hiện lòng cung kính đối với thần linh (mà cụ thể là vị thành hoàng) được thờ nơi đình và các thế hệ có công mở mang, khai phá, phát triển của làng xã ( tiền hiền khai khẩn, hậu hiện khai cơ).
Một số đình làng ở Đồng Nai tôn thờ những con người có công với làng xã thành những phúc thần của làng như: đình Bình Kính thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên, đình Mỹ Khánh thờ Danh tướng Nguyễn Tri Phương, đình Tam Hiệp thờ anh hùng kháng pháp Đòan Văn Cự…
Thông thường, đáo lệ 3 năm, thì đình làng tổ chức Đại lễ Kỳ yên. Đại lễ Kỳ yên thường được các đình làng với nguồn vật, lực lớn tổ chức. Trong đại lễ Kỳ yên, các nghi thức cùng tế trong Lễ được tổ chức chu đáo, đảm bảo theo tuần tự. Đặc biệt, trong đại lễ Kỳ yên có sự phối hợp giữa các nghi thức cúng tế và hình thức diễn xướng do các đoàn hát bội được mời đảm trách. Quan trọng trong hình thức diễn xướng phục vụ lễ Kỳ yên là Lễ Xây chầu – Đại bội và Hát tuồng. Lễ này thường được tiến hành sau khi nghi thức Đàn cả hoàn tất. Đây được xem là phần hội của trong đại lễ Kỳ yên của đình.
Trong các kỳ đại lễ, người dân tham gia khá đông đảo. Nhiều nghi thức lễ và hội diễn ra. Trong lễ Kỳ yên những quy tắc nghi thức lễ được tuân thủ nghiêm ngặt. Các nghi lễ trong Kỳ yên ở đình thường thấy là Túc yết, Đòan cả, Tế tiền hiền, hậu hiền, Thỉnh sắc, Tỉnh sanh, Hồi sắc, Tống ôn….Mỗi nghi tế được Ban quý tế, các học trò lễ trong sự phân công tuân thủ thực hiện trang trọng.
Trong phần hội, thường tại các ngôi đình lớn tổ chức các sinh hoạt văn hóa rất phong phú: hát bộ, múa lân, đua thuyền, đầu võ, xô giàn….được nhiều người hưởng ứng, tạo nên không khí náo nhiệt. Ở Bến Gỗ thường tổ chức đua thuyền trên sông. Người dân hào hứng đứng trên hai bờ sông cổ vũ sôi động. Một số đình có tổ chức hạt bộ cho dân làng xem ba đêm liền với những tuồng tích xưa ca ngợi những con người nghĩa hiệp, anh tài, giúp dân, giúp nước. Ở đình Mỹ Khánh, dân làng thức đợi nghi thức tống ôn (gió độc, dịch bệnh) vào canh ba dưới ánh trăng dìu dặt. Với chiếc thuyền trang trí lộng lẫy, lung linh hàng trăm ngọn nến, cờ hoa và lễ vật cúng được hạ thủy, đẩy ra giữa dòng chảy của sông cho trôi đi xa trong cảnh tượng vừa đẹp và linh thiêng…
Tham gia trong lễ hội, người dân như quên hết những âu lo, cực nhọc thường nhật, hội nhập vào không khí thiêng liêng của lễ, náo nhiệt của hội. Qua đó, họ thể hiện lòng biết ơn của mình với thần linh, tổ tiên và thể hiện tinh thần gắn bó cộng đồng, hướng đến những ước vọng tốt đẹp. Hiện nay, trong những đêm lễ hội kỳ yên tại các đình làng Biên Hòa, loại hình nghệ thuật truyền thống như đờn ca tài tử được các đoàn biểu diễngiao lưu cuốn hút đông đảo người xem, trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo.