Theo báo cáo đánh giá của Sở VHTTDL tỉnh tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác VHTTDL năm 2013 về lĩnh vực du lịch, trong năm 2012 các doanh nghiệp du lịch duy trì được chất lượng, dịch vụ, quảng bá, thực hiện chính sách giá phù hợp để thu hút khách. Tổng lượt khách đạt 2.556.312 lượt, trong đó khách lưu trú đạt 1.350.000 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch năm 2012 đạt 615,3 tỷ đồng, vượt 24% so cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Do đó, cần thiết phải rà soát lại công tác định hướng phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương trong thời gian tới có tính đột phá để đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng góp phần hoàn chỉnh diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển công nghiệp, hiện đại.
Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai
Việc định hướng phát triển các sản phẩm du lịch cho dù dựa trên các loại tiêu chí nào hay công thức khoa học nào chăng nữa thì cũng phải căn cứ vào các yếu tố: tiềm năng tài nguyên du lịch sẵn có của địa phương, các dịch vụ tiện ích du lịch và nhu cầu của từng đối tượng du lịch. Đó là những cơ sở thực tiễn, khoa học đảm bảo tính chính xác, hiệu quả trong công tác định hướng phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh nhà. Đồng Nai có những lợi thế về tiềm năng du lịch lớn là rừng nguyên sinh ở Nam Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai với hơn 150.000 ha rừng liền mạch; con sông Đồng Nai dài và rộng, bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) chảy qua 3 tỉnh và 46 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng đã được xếp hạng và nhiều lễ hội dân gian còn đậm chất sử thi thời mở đất và dấu ấn của dân bản địa.
Khu di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Đ
Theo kết quả khảo sát gần đây của Sở VHTTDL Đồng Nai, có gần 60% khách du lịch muốn thăm cảnh rừng, xem suối thác, thú rừng; trên 32% chọn thăm cảnh sông, tắm sông và các khu vườn trái cây; có gần 20% số khách muốn thăm các di tích lịch sử, nhà cổ, vãn cảnh chùa; gần 8% chọn thăm làng dân tộc… Từ đây, có thể thấy được, nhu cầu về du lịch sinh thái, sông nước đến Đồng Nai rất lớn. Theo nhiều doanh nghiệp du lịch TP.HCM tại một cuộc hội thảo về du lịch ở Đồng Nai trong năm 2012 thì những điểm như Căn cứ TW Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông… ở Đồng Nai đang là tâm điểm để khai thác du lịch sinh thái rừng. Việc khai thác du lịch sinh thái cũng đã được địa phương quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao. Còn rất nhiều vấn đề về công tác quảng báo xúc tiến du lịch của các khu, điểm du lịch, các dịch vụ phục vụ du lịch, sản phẩm quà tặng hoặc lưu niệm có tính độc đáo, đặc thù của địa phương..v…v…chưa được quan tâm chấn chỉnh, đầu tư đúng mức và ngang tầm. Để giải quyết những vấn đề trên cần một loạt các giải pháp đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, từ chính sách ưu đãi đến thu hút đầu tư có định hướng...v..v…
Trong năm 2012, Bà Võ Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh đã có định hướng chuẩn xác khi tham mưu cho Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh ký kết hợp tác phát triển tuyến du lịch đường sông với ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh và dự kiến mở rộng hợp tác với một số tỉnh miền Đông Nam bộ hứa hẹn mở ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong năm 2013, Đồng Nai dự kiến khởi động chương trình tổ chức Festival Rừng ở quy mô cấp quốc gia để chuẩn bị cho hướng phát triển du lịch sinh thái rừng là một ưu thế thiên nhiên ban tặng cho Đồng Nai. Đối với hướng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa về nguồn, khai thác tài nguyên du lịch từ các di tích văn hóa, lịch sử và lễ hội vẫn còn để ngõ, chờ đợi sự kết nối, xây dựng tour, tuyến, hình thành sản phẩm cụ thể từ các nhà quản lý bảo tàng, di tích danh thắng và nhà quản lý, tổ chức du lịch.
Công tác định hướng chính xác, có cơ sở khoa học và thực tiễn phù hợp với nhu cầu của cuộc sống và phát triển của xã hội sẽ đảm bảo 50% sự thành công của mọi chương trình, mục tiêu kế hoạch. Vấn đề quyết định đảm bảo tính định hướng là cần phải có Ban chỉ đạo về phát triển du lịch của tỉnh để điều hành một cách đồng bộ, hiệu quả các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở, huy động được mọi nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và phát triển du lịch.
Mặt khác, tỉnh Đồng Nai cần quan tâm nhiều hơn xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng, liên kết đội ngũ quản lý, hoạt động thu hút và tạo ra nhiều dịch vụ tích cực phục vụ du khách nhất là sản phẩm quà lưu niệm. Có nhanh chóng tạo nhiều mũi giáp công như vậy, ngành Du lịch Đồng Nai mới tạo được bước đột phá để có thể trở thành một mũi nhọn kinh tế của địa phương trong những năm sắp tới và sản phẩm du lịch tỉnh nhà mới có điều kiện phát triển nhanh và đa dạng hơn nữa trong điều kiện cả nước hội nhập và phát triển.
TS. Phan Thanh Kiều