Hành trình bảo tồn và gìn giữ Khu ramsar Bàu Sấu
Cập nhật: 11.07.2022 03:45

Nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, khu Ramsar thứ 2 của Việt Nam Bàu Sấu là cái tên thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Không chỉ bởi quang cảnh thoáng đãng xanh mát, nơi đây còn mang một giá trị sinh thái to lớn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, vùng đất ngập nước Bàu Sấu đối mặt với nhiều thách thức của việc gia tăng tình trạng khai thác gỗ, đánh bắt cá, bẫy chim và động vật rừng. Sự xâm nhập của các loài ngoại lai như cây mai dương, cỏ trấp làm thu hẹp môi trường sống của các loài dưới nước, xử lý cây này tốn kém, mất nhiều thời gian mà không triệt để. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai (do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chưa qua xử lý) tác động trực tiếp đến môi trường sống của các loài thủy sinh, nước uống của động vật hoang dã.

Du khách đều biết Bàu Sấu có đến vài trăm cá sấu Xiêm quây quần sinh sống. Nhưng có lẽ ít ai ngờ được, loài cá sấu nước ngọt vốn sinh sống tại đây từ lâu đời từng phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên, và Bàu Sấu của ngày hôm nay là thành quả của hơn 20 năm các cán bộ chuyên trách phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm đã miệt mài bảo tồn cá sấu Xiêm. Cùng với đó là sự phát triển chung của toàn bộ khu vực đất ngập nước có tầm quan trọng lớn này, tạo điều kiện cho các giống loài động vật, thực vật khác cùng sinh trưởng, duy trì một hệ sinh thái cân bằng, ổn định tại đây.
Ngoài ra, đến với VQG Cát Tiên, ngoài cây Tung cổ thụ, Bến Cự, Thác Trời và Bàu Sấu, du khách còn có thể ghé thăm nhiều địa điểm khác như cây si trăm thân, cây gõ Bác Đồng. Ở giữa nơi thăm thẳm đại ngàn, có một vùng đầm lầy rộng lớn với hệ sinh thái vô cùng trù phú mang tên Bàu Sấu sẽ là những trải nghiệm khó thể nào quên.

Thanh Xuân