Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử - Những giá trị vĩnh cửu
Cập nhật: 29.08.2022 03:52

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Bản Tuyên ngôn Độc lập đánh dấu sự kết thúc của chế độ thực dân Pháp đã thống trị nước ta hơn 80 năm và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập kết tinh các giá trị của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước cũng như kế thừa và phát triển các giá trị của các cuộc cách mạng trên thế giới trong đó có Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn của Cách mạng Pháp năm 1791.
Nói về lịch sử oanh liệt của dân tộc ta, trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội lần thứ Hai của Đảng họp ở Tuyên Quang (tháng 2/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước... Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung..."
Tinh thần yêu nước đó đã được kế thừa và phát triển trong các thời kỳ lịch sử tiếp theo. Ngay sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta năm 1858, nhân dân cả nước ta đã liên tiếp đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm.

Năm 1859 cuộc khởi nghĩa do Lãnh binh Trương Định đã nổ ra ở Gò Công, Tân An kéo dài đến năm 1867; cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực tại Gia Định, Biên Hòa từ năm 1861 đến năm 1868 với lời nói hiên ngang của Nguyễn Trung Trực trước khi bị thực dân Pháp xử tử tại Rạch Giá: “Bao giờ nước Nam hết cỏ thì mới hết người Nam đánh Tây”. Phong trào Cần Vương do phe chủ chiến trong triều đình nhà Nguyễn đứng đầu là Tôn Thất Thuyết dưới danh nghĩa Vua Hàm Nghi để ra Chiếu Cần Vương tố cáo âm mưu xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, đồng thời kêu gọi sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến giúp Vua bảo vệ quê hương đất nước. Hưởng ứng Chiếu Cần Vương gần 20 cuộc khởi nghĩa đã nổ ra trong cả nước. Những cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta với sự hy sinh to lớn song đều thất bại và bị dìm trong bể máu. Các phong trào do các chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh khởi xướng cũng không đưa đất nước ra khỏi cảnh nô lệ. Cho đến lúc này đất nước vẫn trong "tình hình đen tối như không có đường ra". Các cuộc khởi nghĩa, các phong trào đều chưa có lời giải đáp đúng cho câu hỏi của dân tộc ta: Làm thế nào để giành độc lập?
Chính Hồ Chí Minh (lúc đó gọi là Nguyễn Ái Quốc) đã đưa ra câu trả lời và đã được lịch sử khảo nghiệm là đúng đắn. Với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi. Mở đầu là Cách mạng Tháng Tám đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Tuyên ngôn Độc lập lịch sử do Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Là người quyết tâm "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” nên ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đã chuẩn bị cho ngày tuyên bố độc lập. Ngày 23/8/1945 Hồ Chí Minh rời an toàn khu Việt Bắc về Hà Nội nghỉ và làm việc tại một cơ sở cách mạng ở xã Phú Thượng, hôm sau chuyển đến ngôi nhà 48 Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là cửa hàng mang tên Phúc Lợi của gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ - một doanh nhân buôn bán tơ lụa nổi tiếng giàu có và yêu nước tại đất Hà Thành.
Tại đây, Hồ Chí Minh chủ tọa cuộc họp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng bàn việc mở rộng thành phần Ủy ban Dân tộc Giải phóng, chuẩn bị bản Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức cuộc mít tinh lớn ở Hà Nội để tuyên bố thành lập chính thể mới. Ngày 27/8/1945, tại cuộc họp của Ủy ban Dân tộc Giải phóng, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời. Chiều hôm đó, Người đưa bản thảo Tuyên ngôn Độc lập để các thành viên Chính phủ xét duyệt và đề nghị duyệt kỹ vì "không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, cho cả các nước đồng minh nghe". Từ ngày 28/8/1945, Hồ Chí Minh tập trung công sức vào việc soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập và thường mời một số cộng sự như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Khuất Duy Tiến... đến bàn thảo. Cho đến tận ngày 31/8/1945 Người vẫn bổ sung một số điểm mới để hoàn chỉnh dự thảo và tâm sự với các cộng sự: "Trong đời mình đã viết nhiều nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy".

Cũng trong thời gian này, Hồ Chí Minh đã tiếp và giới thiệu với Thiếu tá Archimedes L.A Patti - chỉ huy đơn vị OSS (Mỹ) - về bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập và mời L.A. Patti dự Lễ Độc lập. Trong chương 25 của cuốn hồi ký “Why Viet Nam?” (Vì sao Việt Nam?) - cuốn sách này đã được Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2009 - L.A.Patti kể về cuộc gặp Hồ Chí Minh: "Ông gọi một người ở buồng bên mang bản thảo (Tuyên ngôn Độc lập) tới và cho gọi một người trẻ tuổi vào để dịch và tôi chăm chú nghe. Khi đến đoạn “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng..., họ đã được tạo hóa trao cho những quyền không thể nhượng lại được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, tôi mới thấy các danh từ đã được chuyển vị và tôi đã nhận xét là trật tự các chữ “tự do” và “quyền sống” đã bị thay đổi. Ông Hồ nắm ngay lấy nhận xét đó và nói: "Đúng, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”.
Nói về quang cảnh ngày 2/9/1945 tại Hà Nội, cuốn sách có đoạn: "Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội từng đoàn lúc lớn lúc nhỏ, lũ lượt dần dần kéo đến cạnh quảng trường Ba Đình. Ở nhiều chỗ là cả một khối dân chúng các làng ngoại ô. Đi theo trong biển người đó, có cả toán dân miền núi với y phục địa phương của họ và nông dân trong những bộ khăn áo cổ truyền"… Cũng trong cuốn sách này, L.A.Patti đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Hồ Chí Minh: "Sự chân thành và tài hùng biện đầy sức thuyết phục của ông Hồ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi…Đó là một nhà lãnh đạo vô cùng thông minh, thấu hiểu những vấn đề của đất nước mình, là một người thấu tình đạt lý và vô cùng tinh tế".
Trong cuốn hồi ký "Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ" của Jean Sainteny - một sĩ quan Pháp có mặt tại Hà Nội ngày 2/9/1945 sau này là Đại diện toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam (1954 - 1958) - cuốn sách đã được Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản bằng tiếng Việt năm 2005 - tác giả đã kể về ngày 2/9/1945 mà ông được chứng kiến, trong đó có đoạn: “Những người diễu hành đi theo đại lộ Brìere de l’Isle (đại lộ Hùng Vương ngày nay) ngay trước cổng dinh Toàn quyền, và chúng tôi không thấy có một cử chỉ thù địch nào hướng về chúng tôi, cũng như về phía dinh là tòa nhà tượng trưng cho chủ quyền của Pháp ở Đông Dương.. Nhiều linh mục đạo Gia-tô cũng tới dự, đứng ở vị trí cao. Trật tự trong buổi diễu hành, và nhất là không thấy có những tiếng hò hét phản loạn, thù địch". Nói về Hồ Chí Minh, tác giả viết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, mục tiêu đích thực, duy nhất, trước sau như một của Hồ Chí Minh là: Nước Việt Nam độc lập”. Trong cuốn sách này, Jean Sainteny cho rằng: "Nước Pháp đã thất bại tại Việt Nam vì Chính phủ Pháp đã không chịu trao trả độc lập cho người Việt Nam, như người Anh đã làm với Ấn Độ năm 1948".
Bản Tuyên ngôn Độc lập có 49 câu với 1.120 từ đã nói lên nguyện vọng của dân tộc Việt Nam cũng như của các dân tộc khác trên thế giới, trong đó quyền sống hạnh phúc và quyền tự do là những quyền cơ bản và không tách rời nhau thể hiện ở đoạn: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Tư tưởng đó là nền tảng cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng cuộc sống mới của nhân dân Việt Nam như đã được nói trong Tuyên ngôn Độc lập: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Ngày 5/9/1945, Báo Cứu quốc số 36, đăng toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập dưới đó ký tên 15 thành viên của Chính phủ lâm thời gồm: Hồ Chí Minh (Chủ tịch), Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Chu Văn Tấn, Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Vũ Trọng Khánh, Phạm Ngọc Thạch, Đào Trọng Kim, Lê Văn Hiến, Phạm Văn Đồng, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận, Nguyễn Văn Xuân.
Đến nay đã 77 năm trôi qua kể từ ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Thế giới và đất nước đã đổi thay song những tinh thần cơ bản của Tuyên ngôn Độc lập vẫn còn nguyên giá trị. Tuyên ngôn Độc lập là kết quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám - một cuộc cách mạng tất yếu, hoàn toàn không phải là một "cuộc đảo chính", một sự kiện "ngẫu nhiên" hoặc "gặp may" như một số người ngộ nhận. Tuyên ngôn Độc lập là ngọn đuốc soi đường cho nhân dân ta không chỉ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn trong công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thu Trang

Nguồn: Fanpage Tuyên giáo Đồng Nai